Facebook ngăn chặn những ‘Frances Haugen tiếp theo’

Facebook ngăn chặn những ‘Frances Haugen tiếp theo’

Meta, công ty sở hữu Facebook, không còn tích cực chia sẻ thông tin trong các cuộc họp sau khi cựu nhân viên Frances Haugen tiết lộ nhiều bí mật.

Tháng trước, một nhà nghiên cứu của Meta chuẩn bị chi tiết cho một cuộc trò chuyện cùng các đồng nghiệp với chủ đề: Với tư cách nhà khoa học, làm thế nào để đối phó khi công ty bạn đang làm việc liên tục nhận được thông tin báo chí tiêu cực.

Ảnh minh hoạ: The Verge

Ảnh: The Verge

Bài thuyết trình được chấp thuận để trình bày trong hội nghị dành cho các nhà nghiên cứu và nhân viên Meta hàng năm, diễn ra đầu tháng 11. Nhưng vài ngày trước sự kiện, bộ phận pháp lý và truyền thông của công ty cho rằng nguy cơ bị rò rỉ thông tin quá lớn. Nội dung bài thuyết trình, cùng một video mô tả nỗ lực chống lại phát ngôn bắt nạt và gây chia rẽ, không được duyệt sau đó.

Theo The Verge, hai trường hợp trên là nỗ lực mới của Meta trong việc hạn chế thông tin nội bộ bị tuồn ra ngoài. Sau khi cựu quản lý Frances Haugen rời công ty hồi tháng 5 và sao chép hàng loạt tài liệu Facebook, Meta có nhiều thay đổi để chặn nguy cơ sẽ xuất hiện “những Frances Haugen tiếp theo” trong tương lai.

Dù bê bối chưa khiến Meta phải thay đổi cách hoạt động ngay lập tức, công ty bắt đầu quán triệt việc kiểm soát nhân viên hơn. Có 10 trong số 70 tài liệu từng được phê duyệt để thuyết trình trong hội nghị đầu tháng 11 bị đánh giá lại để giảm thiểu rủi ro.

Các lãnh đạo cấp cao, như Giám đốc chính sách và truyền thông Nick Clegg, yêu cầu bộ phận nghiên cứu về Liêm chính – nơi Haugen từng làm việc – phải xem xét kỹ tài liệu báo cáo trước khi chia sẻ, kể cả trong nhóm riêng tư. Trong một số trường hợp, họ bị yêu cầu phải làm rõ đâu là dữ liệu trong công việc và đâu là ý kiến nhận định mà họ đưa ra trước khi bắt đầu dự án mới.

Tháng trước, Meta cũng triển khai hệ thống “Integrity Umbrella” để kiểm soát nhân viên trong bộ phận Liêm chính và một số bộ phận khác. Công cụ này có nhiệm vụ duy trì danh sách nhân viên, cấp quyền truy cập tự động để tham gia các nhóm riêng tư trong Workplace, thay vì có thể tự do theo dõi thông tin ở các nhóm như trước.

Matt Perault, cựu giám đốc chính sách của Facebook, đánh giá chính sách này có thể gây tác dụng tiêu cực. Những người cần tiếp cận thông tin để phục vụ công việc bị hạn chế, do đó hiệu quả làm việc cũng thấp hơn. “Đây là một quyết định đáng lo ngại”, một kỹ sư cấp cao khác nói. “Nó có thể tác động nghiêm trọng đến sự hài lòng của nhân viên. Kết quả là nhiều người vỡ mộng với môi trường tại Meta và tiếp tục chia sẻ thông tin nội ra ngoài trong tương lai”.

Đại diện Meta xác nhận đang thực hiện các thay đổi trong truyền thông nội bộ từ đầu năm nay. “Đây là công việc được tiến hành thường xuyên. Chúng tôi vẫn cam kết tạo ra văn hóa cởi mở cho công ty”, Mavis Jones, người phát ngôn của Meta, cho biết.

Thay đổi về văn hóa của Meta

Một trong những giá trị cốt lõi mà Meta nói với nhân viên mới gia nhập công ty là “tính cởi mở”.

“Những người được cung cấp nhiều thông tin sẽ đưa ra quyết định tốt hơn và tạo ra kết quả tầm vóc hơn. Vì vậy, chúng tôi luôn đảm bảo mọi người tại Facebook đều có thể truy cập nhiều dữ liệu về công ty nhất có thể”, trang tuyển dụng của Facebook viết.

Điều này xuất phát trực tiếp từ Mark Zuckerberg, người vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin nhạy cảm với các nhân viên trong cuộc họp nội bộ mỗi đầu tuần, tính đến năm 2016. Các nội dung ông chia sẻ khi đó cũng hiếm khi bị rò rỉ.

Trên thực tế, Facebook cũng cởi mở hơn so với các công ty khác tại Thung lũng Silicon – nơi các doanh nghiệp như Apple, Microsoft luôn quán triệt văn hóa giữ bí mật. Một cựu nhân viên có thâm niên làm việc trong lĩnh vực công nghệ chia sẻ ông đã rất ngạc nhiên khi được xem xem lộ trình chi tiết một sản phẩm chưa ra mắt của Facebook, dù mới gia nhập công ty ít ngày.

Nhiều nhân viên xác nhận, các dữ liệu của Facebook luôn công khai và được tự do truy cập, thảo luận thoải mái trên nền tảng nội bộ Workplace. Số lượng nhân viên công ty đã tăng trưởng ổn định những năm qua, từ 17.000 người năm 2016 lên 68.000 người hiện tại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nội dung nội bộ bị chia sẻ ra bên ngoài quá nhiều khiến những người đứng đầu không còn yên tâm. Andrew Bosworth, phụ trách mảng AR và VR của Meta, đã viết một tâm thư cho nhân viên hồi cuối tháng 10.

“Cởi mở là một trong những giá trị của công ty 15 năm qua. Tôi đã sống đúng với điều đó. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về cảm xúc của mình khi buộc phải xem lại cách quản lý tin tức nội bộ”, Bosworth viết. Trớ trêu là email này cũng bị tuồn ra ngoài sau đó.

Theo sohoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0985.583.246
challenges-icon chat-active-icon