Laptop, điện thoại khan hàng

Laptop, điện thoại khan hàng

Người dùng gặp khó khăn khi mua thiết bị, trong khi các cửa hàng cho biết chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.

Chờ đợi các cửa hàng mở cửa trở lại để mua smartphone mới, nhưng sau hơn một tuần, Thúy An (Hà Nội) vẫn chưa mua được chiếc điện thoại như dự định. “Tôi tính bỏ ra khoảng 5-7 triệu đồng để mua điện thoại, nhưng qua mấy cửa hàng đều được thông báo hết máy. Họ tư vấn một số mẫu khoảng 10 triệu đồng nên tôi chưa quyết định”, An kể. Cô cho biết có thể phải chấp nhận mua máy giá cao, hoặc tìm máy cũ, bởi người bán hàng nói “không biết đến khi nào mới có máy về”.

Đức Tiến, quản lý một cửa hàng máy tính tại Đống Đa (Hà Nội), cho biết chính anh cũng gặp khó khăn khi cần mua thiết bị. “Làm ở cửa hàng máy tính nhưng bản thân cũng phải lên mạng tìm máy tính cũ cho con học online. Laptop mới, nhất là dòng tầm trung hiện thiếu hàng trầm trọng”, anh Tiến kể.

Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các cửa hàng máy tính, điện thoại và phụ kiện điện tử tại Việt Nam. Theo các hệ thống bán lẻ, sức mua của thị trường tăng vọt sau khi nhiều tỉnh thành nới lỏng giãn cách, trong khi nguồn cung từ các nhà máy tại Trung Quốc lại giảm.

Hàng loạt mẫu máy được gắn nhãn sắp về hàng trên website của một nhà bán lẻ.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop, cho biết các sản phẩm công nghệ nói chung đều tăng trưởng, ở mức từ 50% đến 100% so với tháng trước. Với smartphone, các mẫu bán chạy nhất là các sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung như Galaxy A22, A52s, Reno6, Poco X3 PRo. Hệ thống này đã chuẩn bị trước nhưng vẫn gặp khó khăn về nguồn hàng. “Dự kiến phải một vài tuần nữa, hàng hóa mới ổn định trở lại”, ông Kha nói.

Hệ thống CellphoneS cũng cho biết một số mẫu điện thoại, laptop đã hết hàng từ nửa tháng, nhưng chưa có lịch về đợt mới. Các mẫu smartphone bán chạy của Xiaomi và Samsung như Redmi 9a, Redmi Note10s, Galaxy A03s, Galaxy A32, A52 đang hết hàng. Trong khi đó, một số sản phẩm cao cấp như Z Fold3, Z Flip3 về nhỏ giọt vài chục chiếc mỗi lần và không đủ bán. Hệ thống cũng chưa thể nhập thêm laptop do nguồn hàng tại Việt Nam gần như không còn.

Đại diện Acer Việt Nam xác nhận tình trạng khan hiếm hàng hóa thực tế đã diễn ra từ giữa năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa thể cải thiện. Hãng hiện vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho đa số các đại lý và người dùng. Tuy nhiên một số đại lý hiện chỉ phục vụ được khoảng 50% nhu cầu.

Một cửa hàng điện thoại, máy tính nhộn nhịp trong ngày mở cửa trở lại tại TP HCM. Ảnh: Huy Nguyễn

Cửa hàng điện thoại, máy tính nhộn nhịp trong ngày mở cửa trở lại tại TP HCM. Ảnh: Huy Nguyễn

Tình hình khan hàng dự kiến còn xuất hiện ở cả những hãng vốn có nguồn cung ổn định như Apple. Đại diện một hệ thống ủy quyền của Apple tại Việt Nam cho biết, đợt hàng iPhone 13 đầu tiên về Việt Nam có thể chỉ đáp ứng được khoảng 50% lượng đặt trước của người dùng. Một số mẫu máy tính iPad, MacBook Pro, MacBook Air chưa có lịch giao hàng trong tháng 10, trong khi iPhone 11 có thể đến năm 2022 mới tiếp tục có lô hàng mới.

Theo một chuyên gia trong ngành bán lẻ thiết bị điện tử, nguồn cung cho Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng từ tình hình sản xuất tại Trung Quốc. Nước này vừa trải qua kỳ nghỉ lễ kéo dài, kết hợp với tình hình thiếu điện, thiếu chip khiến nhiều lô hàng bị đình trệ hoặc hủy hợp đồng.

Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm tại phương Tây. Các hãng, đặc biệt là nhà sản xuất phụ kiện, thường ưu tiên cho thị trường này, nên nguồn hàng nhập về Việt Nam vốn đã ít, nay còn có thể bị kéo dài thời gian giao hàng.

Đại diện hệ thống, cửa hàng bán lẻ và nhà phân phối đưa ra dự báo khác nhau về thời gian nguồn cung có thể ổn định trở lại. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng tình trạng khan hàng có thể sẽ kéo dài một vài tháng hoặc đến cuối quý I/2022.

Theo sohoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0985.583.246
challenges-icon chat-active-icon