Chỉ mới ‘cắt bỏ một chân kiềng’, tập đoàn Mỹ đã khiến giấc mơ về mô hình ‘sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon’ sụp đổ trong nháy mắt

Chỉ mới ‘cắt bỏ một chân kiềng’, tập đoàn Mỹ đã khiến giấc mơ về mô hình ‘sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon’ sụp đổ trong nháy mắt

Chỉ một thay đổi nhỏ về chính sách của Amazon đã khiến hàng loạt công ty xuất khẩu Trung Quốc đang ôm mộng “bá chủ thị trường thương mại điện tử” đứng trước nguy cơ phá sản.

Patozon, một công ty thương mại xuyên biên giới của Trung Quốc, có trụ sở tại Khu Công nghiệp Thương mại Điện tử Giang Hoa ở ngoại ô Thâm Quyến, từng là một cái tên rất nổi tiếng. Công ty này được đánh giá là có tiềm năng thống trị thị trường toàn cầu trong lĩnh vực phụ kiện điện tử, chẳng hạn như tai nghe và bàn phím.

Nhưng, sự phát triển vượt bậc của một công ty chín năm tuổi, với hơn 800 sản phẩm bán chạy nhất trên trang thương mại điện tử Amazon.com vào năm ngoái, đã dừng lại một cách đầy bất ngờ cách đây chỉ 4 tháng. Mọi thứ sụp đổ khi cửa hàng hàng đầu của họ trên nền tảng thương mại điện tử tại Mỹ bị đóng cửa.

Động thái đóng cửa một loạt các cửa hàng nghi ngờ là đang lạm dụng hệ thống đánh giá khách hàng của Amazon đã ngay lập tức cắt đi một trong ba “chân kiềng” vững vàng trong chiến lược kinh doanh của công ty. Patozon cũng như nhiều công ty xuất khẩu khác đang trên đà phát triển dựa trên ba thế mạnh chính, bao gồm một nhóm thiết kế sản phẩm hàng đầu ở Thâm Quyến, một mạng lưới sản xuất hiệu quả ở Quảng Đông, và kênh bán hàng Amazon đã cho phép nó tiếp cận hàng trăm triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Patozon không tiết lộ thiệt hại cụ thể của mình từ động thái của Amazon, vì nó hiện thuộc sở hữu tư nhân, nhưng quyết định gần đây yêu cầu tạm dừng hoạt động của bộ phận nghiên cứu và phát triển trong 6 tháng đã tạo ra sự không chắc chắn về khả năng tồn tại của công ty này trong tương lai.

Nên biết rằng, Patozon không đơn thuần chỉ là một doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ. Đầu năm nay, công ty này đã nhận được sự hậu thuẫn bởi tập đoàn sở hữu ứng dụng TikTok ByteDance, nhà sản xuất smartphone thứ hai thế giới Xiaomi và gã khổng lồ ngành bán lẻ thời trang mới của Trung Quốc Shein.

Năm 2020, doanh thu của Patozon đạt 4,9 tỷ nhân dân tệ, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, với lợi nhuận ròng lên tới 318 triệu nhân dân tệ. Công ty này có 260 triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới, bao gồm tất cả các nền tảng.

Chỉ mới cắt bỏ một chân kiềng, tập đoàn Mỹ đã khiến giấc mơ về mô hình sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon sụp đổ trong nháy mắt - Ảnh 1.

Chính sách quản lý hải quan mới của Trung Quốc hiện cho phép một nhà xuất khẩu có thể bán hàng hóa của họ thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Amazon và eBay và nhanh chóng vận chuyển hàng hóa đến các kho hàng ở nước ngoài. Ảnh: Handout

Patozon hiện từ chối bình luận về mọi vấn đề liên quan.

Nhưng theo một thông báo nội bộ, đã được xác nhận là chính xác bởi một nhân viên của chính Patozon, công ty đã đình chỉ nhóm nghiên cứu và phát triển của mình trong 6 tháng kể từ ngày 6/8 vừa qua.

Các nhân viên sẽ nhận được 80% tiền lương của họ trong tháng đầu tiên, nhưng trong thời gian còn lại của thời gian bị đình chỉ, họ sẽ chỉ được trả 80% mức lương tối thiểu do chính quyền Thâm Quyến quy định. Mức lương tối thiểu của thành phố cho người lao động toàn thời gian là khoảng 340 USD mỗi tháng, có nghĩa là những nhân viên Patozon bị ảnh hưởng sẽ chỉ nhận được 272 USD, thấp hơn nhiều so với mức bình thường của họ.

“Kể từ tháng 4, công ty đã nỗ lực tự cứu mình trong vài tháng qua… nhưng chúng ta vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức và áp lực trong việc luân chuyển hàng tồn kho và dòng tiền. Chúng ta cần thực hiện các điều chỉnh trong chiến lược của mình, vì vậy công ty phải đưa ra một số quyết định khó khăn”, nội dung tuyên bố cho biết.

Thông báo này cũng đánh dấu một sự thay đổi trong ngữ điệu của công ty, so với thời điểm xảy ra đợt đóng cửa hàng đầu tiên của Amazon, chỉ ba tháng trước. Vào đầu tháng 5, Patozon cho biết họ rất “lạc quan” khi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với Amazon về việc khôi phục các cửa hàng bị đình chỉ của mình.

“Hiện tại, chúng ta đang hoạt động bình thường và dòng tiền của chúng ta vẫn bình thường,” tổng giám đốc Liu Yongcheng, người sáng lập doanh nghiệp, cho biết trong một bức thư ngỏ gửi nhân viên vào thời điểm đó.

Chỉ mới cắt bỏ một chân kiềng, tập đoàn Mỹ đã khiến giấc mơ về mô hình sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon sụp đổ trong nháy mắt - Ảnh 2.

Vào tháng 5 vừa qua, Amazon cho biết họ đã đình chỉ một số tài khoản người bán do lạm dụng hệ thống đánh giá. Ảnh: AFP

Nỗi đau của Patozon đang lan rộng trên cộng đồng những doanh nghiệp áp dụng mô hình “sản xuất tại Trung Quốc, được bán trên Amazon”, khi hàng nghìn cửa hàng trực tuyến được hỗ trợ bởi các thương gia tại Trung Quốc đã đóng cửa kể từ tháng 5, theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên Biên giới Thâm Quyến.

Juozas Kaziukenas, người sáng lập Marketplace Pulse, một công ty nghiên cứu thương mại điện tử có trụ sở tại New York, đã viết trong một báo cáo vào đầu tháng 7 rằng những người bán hàng tại Trung Quốc bị đình chỉ đại diện cho “một phần nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc trên Amazon”. Nhưng việc đóng cửa đã “gửi làn sóng xung kích tới cho cả cộng đồng những người bán ở Trung Quốc”.

Lý do cụ thể cho việc một loạt cửa hàng bị đóng cửa vẫn chưa được tiết lộ, mặc dù chúng diễn ra vào thời điểm Amazon đang ngăn chặn việc lạm dụng hệ thống đánh giá khách hàng. Cụ thể, Amazon cấm các thương gia hối lộ người tiêu dùng để để lại các đánh giá tích cực, một thực tế vốn rất phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc.

“Hành động của chúng tôi đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ và chúng tôi muốn dành một chút thời gian để làm rõ – các quy tắc đều giống nhau đối với mọi người bán, bất kể quy mô hoặc vị trí của họ”, Dharmesh Mehta, phó chủ tịch của Amazon cho biết trong một tuyên bố.

Động thái này của Amazon đã để lại vị đắng trong miệng các thương gia Trung Quốc, và thậm chí nó đã nhận được sự chú ý của chính phủ Trung Quốc. Bộ Thương mại nước này đã coi vụ việc là “nỗi đau ngày càng tăng” từ cái gọi là “hình thức thương mại mới”.

Nhưng đồng thời, chính quyền Thâm Quyến nói với các thương gia rằng họ sẽ không can thiệp trực tiếp trong các tranh chấp với Amazon, và sẽ giữ vị trí “trung lập” trong vấn đề này.

Chỉ mới cắt bỏ một chân kiềng, tập đoàn Mỹ đã khiến giấc mơ về mô hình sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon sụp đổ trong nháy mắt - Ảnh 3.

Nhân viên tại một nhà kho của Amazon ở Hawthorne, California. Ảnh: Los Angeles Times / TNS

Các doanh nghiệp như Patozon đại diện cho những gương mặt mới, đang khiến cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng trở nên đáng gờm hơn trong thời kỳ bùng phát đại dịch Covid-19. Lợi thế chính của họ – thiết kế nhanh chóng và sản xuất tức thì – vẫn còn nguyên giá trị, bất chấp động thái mới của Amazon.

Tại trụ sở chính của mình, Patozon đã tìm cách thể hiện hình ảnh của một công ty khởi nghiệp công nghệ đẹp mắt chứ không phải là một doanh nghiệp sản xuất kiểu cũ, với khu vực lễ tân được trang trí bằng các danh hiệu và chứng chỉ giành được trong các cuộc thi thiết kế.

Năm 2020, xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng 40%, vượt xa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung là 4%.

Amazon, hiện bán nhiều hàng hóa hơn gã khổng lồ bán lẻ Walmart, là kênh chính để các thương gia Trung Quốc tiếp cận người tiêu dùng cuối ở các nước phát triển. Nhưng người bán tại Trung Quốc cũng đang đại diện cho 75% người bán mới niêm yết trên Amazon vào tháng Giêng năm nay, tăng đáng kể so với 47% trong năm trước, theo dữ liệu từ Marketplace Pulse.

Thậm chí, tại Thâm Quyến, một hình thức kinh doanh tại địa phương đang phát triển mạnh. Đó là việc bán khóa học dạy các thương gia cách mở và vận hành cửa hàng trên Amazon.

Chỉ mới cắt bỏ một chân kiềng, tập đoàn Mỹ đã khiến giấc mơ về mô hình sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon sụp đổ trong nháy mắt - Ảnh 4.

Một robot giao hàng tại Hội chợ Công nghệ cao Trung Quốc (CHTF) lần thứ 22 được tổ chức ở Thâm Quyến vào năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2021, tổng xuất khẩu của Thâm Quyến tăng 19,4% so với một năm trước đó. Ảnh: Xinhua

Một trong những đơn vị bị đóng cửa cửa hàng gần đây nhất trên Amazon là Công ty Công nghệ Youkeshu ở Thâm Quyến, chuyên bán các sản phẩm như đồ dùng điện tử, đồ chơi và thiết bị ngoài trời.

Công ty cho biết vào đầu tháng 7 rằng 340 gian hàng của họ trên Amazon đã đóng cửa và khoảng 20 triệu USD tiền ký quỹ bị đóng băng. Điều này đã giáng một đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh của họ. Do đó, tiền lương của các nhân viên công ty đã giảm một nửa xuống còn 216 USD vào giữa tháng 7, thay vì 432 USD của sáu tháng trước đó.

Wang Xin, chủ tịch hiệp hội thương nhân xuyên biên giới Thâm Quyến, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng một số cửa hàng tại địa phương đã thành công trong nỗ lực dỡ bỏ lệnh cấm và hàng tồn kho của họ được các kho hàng của Amazon trả lại.

Dữ liệu kinh tế chi tiết về tác động của việc đóng cửa đối với Thâm Quyến không có sẵn, nhưng việc thay đổi chính sách của Amazon dường như đã làm chậm đà xuất khẩu của thành phố này. Trong nửa đầu năm 2021, tổng xuất khẩu của Thâm Quyến tăng 19,4% so với một năm trước, nhưng thấp hơn 9% so với mức trung bình của cả nước trong cùng thời kỳ.

Và khi Amazon trở nên thù địch với một số thương gia, các nền tảng khác như eBay và AliExpress, một công ty con của Alibaba, lại đang bắt tay vào cung cấp các lựa chọn thay thế. Chính quyền thành phố Thâm Quyến cũng đang khuyến khích các thương gia phát triển các trang web độc lập để bán sản phẩm của họ, cũng như cung cấp khoản trợ cấp 2 triệu nhân dân tệ cho những thương nhân đủ điều kiện làm như vậy.

Nhưng điều đó chẳng giúp ích được gì cho Patozon, khi những bất hạnh của nó với Amazon vẫn tiếp diễn. Bắt đầu từ tuần trước, các cửa hàng trên Amazon của họ, chuyên bán các sản phẩm chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời mang thương hiệu Litom, đã ngừng hoạt động.

Theo soha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0985.583.246
challenges-icon chat-active-icon