Người nước ngoài ‘sốc’ với văn hóa công sở Việt

TP HCMJames Brown, 33 tuổi, nộp đơn xin nghỉ sau hai tháng làm việc cho công ty truyền thông ở TP Thủ Đức vì không chịu được “sự im lặng khó hiểu” trong văn phòng.

“Tôi thích công việc ở đây, mức lương cũng tốt nhưng không thích nghi được văn hóa công sở”, chàng trai người Anh ở quận Bình Thạnh nói.

James lần đầu đến Việt Nam năm 2016, dạy tiếng Anh trong bốn năm và về London tránh dịch Covid-19. Đầu năm 2024, anh quay lại Việt Nam và làm việc ở công ty truyền thông với vị trí sản xuất và biên tập video.

Ngày đầu, sếp giới thiệu James với phòng truyền thông có 8 người ở độ tuổi 25-40. Sau màn chào hỏi, họ bắt đầu tập trung làm việc. Khối lượng công việc của James không nhiều nên anh không cần làm liên tục 8 tiếng nên bắt chuyện với hai người ngồi cạnh, họ trả lời ngắn gọn sau đó tiếp tục gõ máy tính.

“Tôi cảm thấy hơi kỳ lạ và chút cô độc, lạc lõng”, James nói. “Sự im lặng như bao trùm cả căn phòng”. Văn phòng yên tĩnh, chỉ có tiếng bước chân, lấy giấy tờ, kéo ghế cũng phải khẽ và các đồng nghiệp Việt Nam hiếm khi nói chuyện trong giờ làm.

Anh đã làm cùng họ vài video và mấy buổi livestream nhưng sau giờ làm việc cùng, họ không hề có kết nối.

Điều này khác với văn phòng trường cao đẳng ở London, nơi James từng làm trợ giảng. Ở đó, đồng nghiệp thường xuyên trò chuyện, cười đùa hoặc hỏi nhau nhau trong giờ làm, tiếng động có thể phát ra miễn là không làm ảnh hưởng người xung quanh. Nhưng ở Việt Nam, James ngầm hiểu sự im lặng là phép lịch sự.

Sau một tháng James vẫn không thể kết bạn với bất kỳ ai. Anh nhắn vào nhóm chat chung của công ty: “Xin chào, mọi người có thể trò chuyện với tôi nhiều hơn không?” nhưng đáp lại là sự im lặng dù 15 người “đã xem tin nhắn”. Hôm sau, nhóm lại nói về công việc khác khiến anh cảm thấy mình bị phớt lờ và cô lập.

“Công sở là nơi chiếm 50% cuộc sống của mình nhưng nó quá buồn chán và lạnh lẽo”, James nói về quyết định nghỉ việc cuối tháng 4.

Hè năm ngoái, Zach, 30 tuổi, chọn TP HCM để sinh sống và dạy tiếng Anh bởi ấn tượng với văn hóa, con người và cuộc sống ở Việt Nam nhưng anh nhanh chóng vỡ mộng. “Nó khác hoàn toàn với cảm nhận khi tôi là khách du lịch”, Zach nói.

Ở Mỹ, sếp và nhân viên thường xuyên trò chuyện nhưng thường không quá trịnh trọng, điều này khác với Việt Nam. “Có lẽ do khác biệt ngôn ngữ, chúng tôi không có nhiều kính ngữ”, anh nói.

Một lần, Zach có vấn đề cần trao đổi trực tiếp với giám đốc nhưng được đồng nghiệp khuyên không nên vượt cấp như vậy. Anh được hướng dẫn phải thông qua người quản lý giáo viên và người quản lý cấp cao hơn, họ sẽ chuyển thông tin giúp. “Quy trình có vẻ rắc rối và họ không muốn làm mất lòng nhau”, Zach nói.

Zach còn sốc với sự chăm chỉ của người Việt. Trợ giảng của anh là sinh viên học ở trường cả ngày và làm thêm ba tiếng buổi tối. Điều này cũng tương đồng với các giáo viên Việt Nam làm việc từ 7h đến 17h, đây là ngày học rất dài ở Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục làm thêm từ 17h30 đến 21h.

“Tôi ngạc nhiên vì sao họ có nhiều năng lượng đến thế trong khi tôi từ chối rất nhiều lớp tương tự”, anh nói. Ở Mỹ, Zach có quyền không trả lời email, điện thoại, tin nhắn sau giờ tan sở nhưng nó biến mất ở Việt Nam.

“Mọi người luôn làm việc và hiếm khi phàn nàn về khối lượng công việc họ nhận”, Zach nói. “Công việc chỉ là một phần của cuộc sống ở Mỹ, họ lấp đầy thời gian rảnh bằng một sở thích cá nhân nhưng người Việt thường ngủ bởi họ mệt”.

Zach và James là hai ví dụ về hiện tượng người nước ngoài bị sốc khi làm việc ở Việt Nam. Khảo sát của tập đoàn nhân sự Navigos cho thấy Việt Nam là nơi có nhiều ứng viên quốc tế muốn đến làm việc nhất Đông Nam Á với tỷ lệ 30%, tiếp sau là Singapore với 24% và Thái Lan 17%.

Tuy nhiên, có 60% người được hỏi thừa nhận mình từng bị sốc văn hóa. Trong đó, ba nguyên nhân hàng đầu là rào cản ngôn ngữ chiếm 29%, sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế 27% và thiếu sự thấu hiểu 18%.

Ông Guillaume Rondan, giám đốc Move to Asia, công ty dịch vụ hỗ trợ người nước ngoài đầu tư, làm việc và định cư ở châu Á, đánh giá từ sau đại dịch Covid-19 nhu cầu đến Việt Nam làm việc của công dân Pháp, Đức, Anh và Mỹ lớn nhất, thường ở độ tuổi 30-40.

Sốc văn hóa làm việc là một trải nghiệm tương đối phổ biến đối với người phương Tây đến Việt Nam ở giai đoạn đầu. Ông Guillaume ước tính trung bình họ phải mất khoảng từ 6 đến 12 tháng để thích nghi với văn hóa công sở và hoàn toàn “hòa mình” vào cuộc sống ở Việt Nam.

Ông Guillaume thường đưa ra lời khuyên cho khách hàng nên dành ít nhất ba tháng sống thử ở thành phố mà họ muốn định cư. Đồng thời, họ nên kết nối với nhóm cư dân nước ngoài có cùng chuyên môn, để hiểu sâu hơn về những khó khăn khi làm việc ở Việt Nam dài hạn.

Sasha ở công ty thuộc TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sasha ở công ty thuộc TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sasha, 33 tuổi, vẫn nhớ kỳ thực tập của mình tại một công ty xuất khẩu ở Long An, khi cô là nhân viên người Mỹ duy nhất. 12h30, cô ngạc nhiên khi mọi người dùng xong bữa trưa, lấy chăn, gối từ hộc tủ và nằm la liệt trên sàn nhà, dưới chân bàn làm việc, điện cũng tắt.

“Tôi nghĩ thầm ‘quái lạ’, sao họ có thể nằm công khai ở văn phòng công ty, cứ như là ngày tận thế”, Sasha nhớ lại. Cô thậm chí đã nói với đồng nghiệp bên cạnh, tôi nghĩ mình đang tồn tại ở một thế giới khác, điều này không có thậm chí là kiêng kị ở Mỹ.

Sau nửa tháng, cô mới cảm nhận đây là văn hóa công sở, mọi người thậm chí phải giữ yên lặng trong giờ ngủ trưa. Cô bắt đầu thử ngủ trưa và cảm thấy hiệu suất làm việc tốt hơn buổi chiều.

Một trong điểm khác biệt nhưng Sasha thấy thích ở công ty Việt Nam là team building. “Tôi ngạc nhiên khi họ tổ chức chuyến đi ‘khổng lồ’ lên đến 100 người cho toàn thể nhân viên như một phúc lợi”, Sasha nói. Hè năm ngoái, họ đến Cam Ranh để nghỉ dưỡng, trao giải nhân viên và lên sân khấu hát karaoke.

Cô thấy kỳ lạ nhưng vẫn tham gia. Sau chuyến đi, Sasha biết thêm những người ở ban, phòng khác mà cô chưa từng làm việc.

“Tôi nghĩ đó là cách gắn kết tốt của người Việt”, Sasha nói.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0985.583.246
challenges-icon chat-active-icon